Ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá”, KWLH, Bản đồ tư duy, kĩ thuật dạy học nhóm, kỹ thuật mảnh ghép, khăn trải bàn….
Các kỹ thuật dạy học tích cực là những kỹ thuật dạy học có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy sự tham gia tích cực của HS vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của HS.
Để chuẩn bắt kịp các xu hướng dạy học phát huy tính tích cực của học sinh, năm học mới 2020-2021, Ban giám hiệu trường Tiểu học Hoàng Công Chất đã chỉ đạo xuống các tổ, khối chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy cho các khối lớp của mình áp dụng các kĩ thuật dạy học mới vào giảng dạy.
Sau khi nhận được kế hoạch, giáo viên khối 2 đã cùng nhau tìm tòi, thống nhất ý kiến chọn và đưa ra những khó khăn trong quá trình dạy môn Tự nhiên xã hội ở lớp 2, bài: "Làm gì để cơ và xương phát triển". Đây là kiểu bài tương đối khó với học sinh vì vốn sống các em còn hạn chế và khó tưởng tượng. Và càng khó hơn nữa khi phải áp dụng các kĩ thuật dạy học mới vào tiết dạy. Khi đặt vấn đề, các cô giáo khối 2 rất băn khoăn, cùng nhau suy nghĩ bàn bạc, thảo luận để tìm và lựa chọn được các kĩ thuật hợp lí nhất, áp dụng vào bài giảng. Nhờ sự tư vấn của đồng chí Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Dung, Tổ trưởng Cà Thị Thanh Bình, các thầy cô giáo khối 2 đã thống nhất chọn bài dạy: "Làm gì để cơ và xương phát triển" và áp dụng các kĩ thuật: Kĩ thuật KWLH, kĩ thuật chia nhóm, Kĩ thuật viết tích cực, Kĩ thuật Trình bày một phút, Kĩ thuật Đặt câu hỏi. Thầy giáo Lê Thanh Hồng là người được lựa chọn thể hiện.
Trong tiết học, các em học sinh rất hào hứng, sôi nổi; có em không còn nhút nhát, tích cực trong hoạt động nhóm. Khi đặt câu hỏi, các em đã thể hiện cách trình bày lưu loát, rõ vấn đề cần hỏi. Với kĩ thuật Viết tích cực, giáo viên kiểm tra được mức độ hiểu và nắm kiến thức của học sinh. Đặc biệt, với kĩ thuật KWLH, kĩ thuật chia nhóm học sinh được huy động vốn sống, vốn hiểu biết thực tế của các em qua nội dung các hoạt động, từ đó điều chỉnh nội dung bài dạy cũng như phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS của lớp mình.
Dưới đây là một số hình ảnh của tiết dạy:
Việc vận dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học vào việc soạn giáo án và áp dụng vào các tiết dạy trên lớp góp phần không nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch chuyên môn chung của Nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên, khích lệ giáo viên thực hiện thường xuyên trong mỗi tiết dạy, nhằm đưa chất lượng giảng dạy đại trà ngày một đi lên. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng các kĩ thuật dạy học tích cực chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như: lớp học đông học sinh nên khó triển khai học nhóm, cơ sở vật chất lớp học chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, đồ dùng dạy học và thực hành chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, một số giáo viên ngại đổi mới,… Nếu khắc phục được những khó khăn kể trên tôi tin chắc rằng việc vận dụng các kĩ thuật dạy học tích cực sẽ thật sự hiệu quả.
Người viết: Hoàng Thị Loan