Tôi nhớ một tác phẩm văn học viết rất hay về các thầy cô giáo vùng cao và về người phụ nữ. Câu chuyện kể về một trường học ở vùng cao, vì nó xa xôi nên trường chỉ toàn giáo viên nam. Các thầy sống có phần hoang dã và tùy tiện. Suốt ngày chỉ bóng đá, rượu chè và bài bạc. Trường lớp, phòng ngủ bừa bộn, quần áo luộm thuộm, tóc dài không buồn cắt. Rồi một ngày, trường có cô giáo lên tăng cường và mọi thứ thay đổi. Trường lớp sạch sẽ, quần áo tóc tai của các thầy gọn gàng, ai cũng cố gắng để mình chỉnh chu nhất. Mọi người đối xử với nhau tử tế hơn, hài hòa hơn. Các em học sinh nữ dân tộc cũng được cô cắt tóc, ăn mặc sao cho gọn gàng và chơi những trò chơi của bạn nữ. Thế giới thay đổi, bớt hoang dã và văn minh hơn bởi vẻ đẹp và sự dịu dàng của người phụ nữ. Vai trò thầm lặng ấy rất khó được nhìn ra trong một thế giới mà đàn ông cho mình cái quyền làm chủ. Tôi nhớ có một nhà thơ từng nói, nếu những nhà chính trị có được trái tim và cách nhìn của phụ nữ thì mọi mâu thuẫn, xung đột trên thế giới sẽ không phải giải quyết bằng chiến tranh mà giải quyết bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Phụ nữ là một nửa của thế giới này là điều đương nhiên. Phụ nữ có vai trò trong mọi lĩnh vực giúp cho thế giới này có thể tồn tại và phát triển được. Nhưng vai trò trong việc đấu tranh cho chính mình, cho sự bình đẳng của mình với nam giới thì lại ít được phụ nữ quan tâm. Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện hay vấn đề của nhân loại mà nó còn là vấn đề của mỗi quốc gia, mỗi xã hội và trong mỗi gia đình, mỗi con người. Đặc biệt là của mỗi người phụ nữ trong việc đảm bảo quyền của mình.
Có không ít những nhà văn, nhà tư tưởng, nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho nữ quyền, bình đẳng giới trên thế giới là phụ nữ. Nếu phụ nữ không phải là người đầu tiên đấu tranh cho mình và quyền của mình thì sẽ chẳng ai đấu tranh cho họ cả. Nhưng sự phân biệt đối xử với phụ nữ, bạo hành, bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục, mua bán phụ nữ…, vẫn diễn ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa. Nhưng không có nhiều phụ nữ giám đứng lên đấu tranh. Bởi như có một bàn tay tàn bạo bịt chặt miệng của những nạn nhân lại vậy. Bàn tay ấy được xây lên bởi những định kiến về giới, văn hóa trọng nam khinh nữ và nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế trong xã hội.
Chắc bạn có biết đến phong trào Me Too, phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục, kêu gọi nạn nhân cất lên tiếng nói xuất phát từ kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ năm 2017, phong trào đã lan rộng sang nhiều quốc gia khác và gây được nhiều sức ảnh hưởng, giúp các nạn nhân cất lên tiếng nói của mình. Ở Việt Nam, nổi lên là câu chuyện của ca sỹ Phạm Anh Khoa, nhưng mọi chuyện chìm xuống bởi nạn nhân không giám cất tiếng nói, nhiều nạn nhân thay vì được xã hội bảo vệ thì họ lại bị công kích. Hay câu chuyện 18 tháng tù treo cho tội dâm ô với trẻ em của ông già 77 tuổi. Tội của kẻ phạm tội thì nhẹ mà nạn nhân và gia đình họ phải đón nhận một cuộc sống đầy áp lực, căng thẳng tâm lý, dư luận, nỗi ám ảnh, danh dự và nhân phẩm bị xâm phạm... Xã hội chưa biết cách bảo vệ nạn nhân bị xâm hại.
Văn hóa và định kiến xã hội đã ăn vào nếp sống, nếp nghĩ của từng con người. Người phụ nữ chịu thiệt thòi mà bản thân họ cũng không biết là mình đang chịu thiệt thòi. Tôi thử lấy ví dụ thế này, người chồng ngồi xem bóng đá (hưởng thụ), người vợ rửa bát đĩa ở bếp (làm việc không lương). Hình ảnh ấy có trong mọi gia đình và nó được coi như điều đương nhiên. Vậy giờ bạn thử đổi lại, người vợ ngồi xem ti vi, chương trình mà cô ấy yêu thích, còn người chồng rửa bát đĩa. Bạn sẽ cảm thấy ở đây sự nghịch lý, sự nghịch lý ấy được tạo lên bởi văn hóa, nếp nghĩ.
Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện của hiện tại, mà còn là tương lai. Vì vậy mà vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng. Trong nhà trường chúng ta xậy dựng một môi trường bình đẳng và an toàn cho các em, đặc biệt là các em học sinh nữ. Giáo dục cho các em về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ, những tấm gương đấu tranh cho nữ quyền. Xây dựng phong trào ở cơ sở, mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên giúp phụ nữ hiểu hơn về bình đẳng giới, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Xã hội hiện đại, vai trò và vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Chính sự phát triển của phụ nữ sẽ đảm bảo những cán cân thăng bằng trong bình đẳng giới. Ai cũng biết, bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội có công bằng, dân chủ và văn minh hay không. Người phụ nữ có được tôn trọng, được công nhận giá trị, vai trò xã hội cũng như cống hiến của họ hay không?
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội.
------------------------***---------------------------
Hết
Tác giả bài viết: Phạm Thị MIến