ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN TẬP LÀM VĂN

Thứ hai - 28/09/2020 13:00

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN TẬP LÀM VĂN

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN TẬP LÀM VĂN

“MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY TẬP LÀM VĂN CHO HỌC SINH LỚP 3A2 TRƯỜNG TH HOÀNG CÔNG CHẤT”

PHẦN I: MỞ ĐẦU

1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu:

Tiểu học là cấp học đầu tiên, là nơi các em bước vào ngưỡng cửa tri thức. Trong  giai đoạn này các em được cung cấp hai luồng tri thức thông qua hai môn học chính đó là: Tiếng Việt và Toán. Mỗi môn học có nhiệm vụ riêng có hướng giáo dục tri thức riêng, nhưng vẫn tác động qua lại lẫn nhau và cùng với các môn học khác tạo nên một nền tảng vững vàng cho các cấp bậc sau. Trong đó môn Tiếng Việt cùng với các môn học khác có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh các kĩ năng cơ bản đó là: “Nghe, nói, đọc, viết”, trong môn học này lại có các nội dung cấu thành là các phân môn: Tập đọc, Luyện từ và câu, Chính tả, Tập làm văn, Kể chuyện… Trong đó phân môn Tập làm văn là phân môn có tính chất tích hợp của các phân môn khác. Qua tiết Tập làm văn học sinh có khả năng xây dựng một văn bản, đó là bài nói, bài viết. Nói và viết là những hình thức giao tiếp rất quang trọng, thông qua đó con người thực hiện quá trình tư duy – chiếm lĩnh tri thức, trao đổi tư tưởng, tình cảm, quan điểm, giúp mọi người hiểu nhau, cùng hợp tác trong cuộc sống lao động, giới thiệu về mình và những người xung quanh.

2.  Lý do chọn sáng kiến

Chắc rằng mỗi giáo viên ai cũng hiểu: Phân môn Tập làm văn là một phân môn có vai trò quan trọng trong việc dạy học sinh hình thành văn bản nói và viết. Đây là một môn khó dạy trong chương trình Tiếng Việt tiểu học. Dạy phân môn Tập làm văn được tốt tức là người giáo viên đã thâm nhập cả chuỗi kiến thức từ các phân môn: Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu. Chính vì thế mà phân môn Tập làm văn có tính chất tổng hợp, là kết quả lĩnh hội các kiến thức của môn Tiếng Việt. Trong chương trình tiểu học hiện nay, mục tiêu chính của môn Tiếng Việt là hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đặc biệt ở lớp 3, phân môn Tập làm văn rèn các kỹ năng: nói, nghe, đọc, viết. Trong quá trình tham gia các hoạt động học tập này học sinh với vốn kiến thức còn hạn chế nên thường ngại nói. Nếu bắt buộc phải nói, các em thường đọc lại bài viết đã chuẩn bị trước. Do đó giờ dạy thường không đạt hiệu

quả cao. Xuất phát từ vấn đề đó nên tôi mạnh dạn viết Sáng kiến: Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy tập làm văn cho học sinh lớp 3A2 trường tiểu học Hoàng Công Chất với các dạng bài “Nghe - Kể lại chuyện” và “Kể hay nói, viết về một chủ đề”.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu:

a. Học sinh lớp 3A2 – Trường tiểu học Hoàng Công Chất.

b. Chương trình phân môn Tập làm văn lớp 3.

4. Mục đích nghiên cứu:

    Việc dạy cho học sinh nắm được cách nghe, kể lại được nội dung câu chuyện và kể hay nói, viết về một chủ đề có hiệu quả trong phân môn Tập làm văn ở lớp 3 là rất quan trọng. Dạy tốt vấn đề này giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết một cách linh hoạt để biết kể lại câu chuyện đã nghe hoặc làm bài văn kể hay nói, viết về một chủ đề cho trước có hiệu quả. Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin và ham thích học phân môn Tập làm văn.

5. Phương pháp nghiên cứu:

 Trong qua trình nghiên cứu, tôi đã áp dụng một số phương pháp sau:

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu, lí luận.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp.

- Phương pháp điều tra, khảo sát

- Phương pháp luyện tập, thực hành

- Phương pháp thống kê.

- Phương pháp trao đổi, tranh luận.

 Trong các phương pháp trên, khi nghiên cứu tôi vận dụng hài hoà các phương pháp để tìm ra các giải pháp của mình đạt kết quả tối ưu nhất.

6. Sơ lược điểm mới của vấn đề nghiên cứu

- Đề tài tôi nghiên cứu mặc dù đã có nhiều đồng nghiệp khác đã nghiên cứu, nhưng nó vẫn là một đề tài nóng hổi cần tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu tỉ mỉ hơn. Trong quá trình thực hiện tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, sàng lọc đối tượng học sinh sao cho phù hợp với đặc điểm riêng của trường.

- Đề tài này nếu nghiên cứu kĩ, vận dụng linh hoạt sẽ có tác dụng rất lớn đối với những đối tượng học sinh ở vùng sâu vùng xa, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì qua quá trình khảo sát, nghiên cứu, chọn lọc học sinh thì đa phần những đối tượng này yếu về kĩ năng làm văn miêu tả. Do vậy tôi đã thực hiện đề tài này để tìm ra một số biện pháp, kinh nghiệm nhằm phần nào cải thiện kỹ năng làm văn miêu tả của các em. Hi vọng các em sẽ làm bài tốt hơn qua đó truyền tới các em lòng yêu thích, nhiệt huyết, gắn bó với văn miêu tả.

                                                               PHẦN II: NỘI DUNG

1. Cơ sở khoa học lý luận:

Tập làm văn là một trong những phân môn có vị trí quan trọng của môn Tiếng Việt. Phân môn này đòi hỏi học sinh phải vận dụng những kiến thức, kĩ năng tổng hợp từ nhiều phân môn khác như: Chính tả, Tập đọc, Luyện từ và câu… Để làm được một bài văn học sinh phải sử dụng cả các kĩ năng: “Nghe, nói, đọc, viết”. Phải vận dụng những kiến thức về Tiếng Việt, về cuộc sống thực tiễn. Vì vậy, Tập làm văn được coi là phân môn có tính tổng hợp, toàn diện, sáng tạo có liên quan mật thiết đến các môn học khác. Trên cơ sở nội dung, chương trình phân môn Tập làm văn có rất nhiều đổi mới, nên đòi hỏi tiết dạy Tập làm văn phải đạt được mục đích cụ thể hơn, rõ nét hơn. Ngoài phương pháp của thầy, học sinh cần có vốn kiến thức ngôn ngữ về đời sống thực tế. Chính vì vậy, việc dạy tốt các phân môn khác không chỉ là nguồn cung cấp kiến thức mà còn là phương tiện rèn kỹ năng nói, viết, cách hành văn cho học sinh. Điều này đòi hỏi phân môn Tập làm văn này phải có nhiệm vụ cơ bản sau: Thứ nhất là giúp cho học sinh sau quá trình luyện tập lâu dài có ý thức nắm được cách viết và cách nói sáng tạo các văn bản theo nhiều phong cách khác nhau. Thứ hai là phân môn này góp phần bổ sung kiến thức, rèn luyện tư duy hình thành nhân cách cho học sinh. Còn nhiều nhiêm vụ khác nữa nhưng tôi chỉ nêu hai nhiệm vụ tôi coi là quan trọng nhất. Tóm lại dạy phân môn Tập làm văn theo hướng đổi mới phải khích lệ học sinh tích cực, sáng tạo, chủ động học tập, biết diễn đạt suy nghĩ của mình thành ngôn bản, văn bản. Nói cách khác, các phân môn trong môn Tiếng Việt là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy Tập làm văn được tốt hơn.

2. Thực trạng vấn đề cần giải quyết:

2.1. Việc dạy của giáo viên:

Qua thực tế dự giờ thăm lớp của giáo viên trong trường cũng như trường bạn tôi nhận thấy:

- Cách tổ chức các hoạt động trong giờ tập làm văn còn lúng túng. Giáo viên chưa biết nội dung trọng tâm cần truyền tải đến học sinh mà chỉ biết dựa vào sách hướng dẫn học và thậm chí đi theo sự hướng dẫn trong sách hướng dẫn học để dạy bài nào cũng giống bài nào. Giáo viên chưa thực sự đầu tư vào chất lượng bài dạy, kiền thức còn hạn hẹp. Chưa tập trung ra đề theo hướng mở.

- Khả năng diễn đạt của giáo viên còn hạn chế, ngôn ngữ chưa được trau chuốt, giáo viên còn “bí từ” khi giảng. Kiến thức bài còn bó hẹp hoàn toàn trong tài liệu hướng dẫn học và chỉ biết nêu lên trình tự trong sách hướng dẫn chứ chưa biết khắc sâu, chốt nội dung khi dạy xong một tiết học.

- Khi dạy cho học sinh “Kể hay nói, viết về một chủ đề” giáo viên chỉ có  nêu nội dung mấy câu hỏi ở tài liệu hướng dẫn học cho học sinh trả lời bằng miệng sau đó yêu cầu học sinh viết về chủ đề đó. Do vậy mà hiệu quả giờ dạy chưa cao.

 * Nguyên nhân của những hạn chế đó là:

 - Giáo viên còn thụ động kiến thức ở sách hướng dẫn học mà chưa chịu khó tìm tòi đọc thêm tài liệu khác liên quan đến giảng dạy đặc biệt là khi dạy Tiếng Việt nên ngôn ngữ của giáo viên còn hạn hẹp, đôi khi bí từ.

 - Khi tổ chức các hoạt động trong giờ học, giáo viên chưa phân định được hoạt động nào là trọng tâm. Hình thức tổ chức dạy còn hạn chế do giáo viên chưa thực sự đầu tư vào chất lượng bài dạy.

 - Vận dụng các phương pháp dạy học và hình thức dạy học khác nhau vào các tiết dạy mà chỉ giảng dạy theo một quy trình áp đặt rập khuôn, máy móc.

- Ra đề chưa có hướng mở, còn gò ép học sinh.

2.2. Việc học của học sinh:

* Nội dung dạy Tập làm văn lớp 3 với các dạng bài “Nghe – kể lại chuyện” và Kể hay nói viết về một chủ đề” 

Về cấu trúc phân môn tập làm văn trong tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt 3 Mỗi bài học có từ 1 đến 2 bài tập. Tổng có 54 bài tập. Gồm bài tập rèn luyện kỹ năng nói và bài tập rèn kỹ năng viết trong đó bài tập rèn kỹ năng nói chiếm hơn 70% nhất là kiểu bài “Nghe - kể lại chuyện” và “Kể hay nói, viết về một chủ đề”. Đối với hai dạng bài này thì nội dung được phân bổ như sau:

- Dạng bài “Kể hay nói, viết về một chủ đề gồm có 16 bài tập như: Nói về Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Nói về thành thị hoặc nông thôn; Nói về quê hương; Nói ,viết về cảnh đẹp đất nước...

- Dạng bài “Nghe - Kể lại chuyện” gồm có 10 bài tập như : Nghe - Kể: Dại gì mà đổi; Nghe - kể: Không nỡ nhìn;  Nghe kể: Tôi cũng như bác; Nghe - kể: Giấu cày... áp dụng chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo (áp dụng từ ngày 19/9/2011) thì đã cắt bỏ một số bài tập không yêu cầu học sinh làm đó là: Nghe - kể: Tôi có đọc đâu (Tập làm văn tuần 11);  Nghe - kể: Tôi cũng như bác (Tập làm văn tuần 14); Nghe - kể: Giấu cày (Tập làm văn tuần 15); Nghe - kể: Kéo cây lúa lên (Tập làm văn tuần 16). Như vậy dạng bài này trong chương trình Tập làm văn lớp 3 dạy 6 bài tập còn lại. Nội dung nhiều bài tập mang tính thực hành từ thực tế xung quanh các em như: Kể về gia đình mình; Nói, viết về thành thị hoặc nông thôn. Qua đó học sinh hình thành được các kỹ năng tạo lập văn bản (từ chỗ nói theo những câu hỏi gợi ý hoặc kể về gia đình, người thân đến viết một văn bản trọn vẹn).

- Học sinh lớp 3 vốn ngôn ngữ của các em chưa nhiều: các em còn mải chơi nhiều hơn học. Việc tiếp thu bài còn thụ động theo cách truyền tải của giáo viên nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.

- Môn tập làm văn là một môn khó, nhiều em còn ngại học văn, lười suy nghĩ nên ở các giờ học các em còn ngại phát biểu, viết bài qua loa cho xong chuyện. Cách dùng từ đặt câu chưa đúng, viết đoạn văn còn nghèo ý.

Chính vì những lý do trên nên việc học văn ở lớp 3 còn hạn chế. Trong tiết “Nghe - kể lại chuyện” nhiều em còn chưa kể lại được chuyện mặc dầu chuyện đó ngắn, tình tiết ít. Khi “Kể hay nói, viết về một chủ đề” nào đó theo các gợi ý ở tài liệu hướng dẫn học thì các em diễn đạt còn lúng túng nhất là những học sinh yếu không nói (viết) được bài.

* Bảng khảo sát về chất lượng phân môn tập làm văn lớp 3A2 (Thời điểm tháng 9/2019).

Sĩ số

3A2

Mức 3,4

(9-10)

Mức 2

(7 - 8)

Mức 1

(5 - 6)

CHT

(dưới 5)

31

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

4

12,9%

7

22,5%

14

45,1%

6

19,5%

Từ những thực trạng nói trên trong phạm vi sáng kiến này, tôi chỉ đưa ra một số giải pháp giới hạn trong việc vận dụng phương pháp và hình thức dạy học phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả cho học sinh khi học các dạng bài “Nghe - kể lại chuyện” và “Kể hay nói, viết về một chủ đề” trong phân môn Tập làm văn ở lớp 3A2 trường tiểu học Hoàng Công Chất.

3. Các biện pháp đã thực hiện và áp dụng trong đề tài:

* Đối với dạng bài “Nghe - Kể lại chuyện

Đây là một dạng đề khá khó trong chương trình tập làm văn lớp 3. Ngữ liệu  học tập của dạng đề này phần lớn là các chuyện vui nên năm học này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giảm tải nhằm bỏ bớt một số bài tập không yêu cầu học sinh thực hành (Phần này đã được nêu ở trên). Trong sách hướng dẫn học hầu hết các tiết dạy dạng đề này được triển khai theo cùng một hướng như sau:

- Giáo viên kể chuyện 2 hoặc 3 lần.

- Giáo viên đưa ra câu hỏi gợi ý chi tiết để học sinh làm điểm tựa nhớ lại nội dung truyện.

- Một vài học sinh kể: Học sinh kể theo nhóm ; Đại diện vài nhóm học sinh kể lại chuyện trước lớp.

Để hoạt động của tiết học dạng đề trên đa dạng hơn, học sinh vui và tích cực học hơn, giờ học có hiệu quả hơn nhất là những học sinh hoàn thành và chưa hoàn thành. Tôi đã vận dụng thêm một số phương án dạy học như sau:

* Cho học sinh xem tranh và đoán nội dung truyện. Giáo viên ghi vài điều cơ bản (nhân vật, một vài sự kiện) mà học sinh đoán được lên bảng (cho học sinh làm việc toàn lớp hay nhóm).

- Học sinh nghe giáo viên kể chuyện hai lần.

- Học sinh đối chiếu giữa nội dung chuyện vừa được nghe với nội dung mình đã đoán để điều chỉnh những điều đã được ghi trên lớp (cho học sinh làm vào phiếu học tập).

- HS trao đổi về một vài điều thú vị trong truyện hay ý nghĩa của truyện.

- Học sinh kể lại chuyện theo cặp (theo nhóm).

- Đại diện vài nhóm học sinh kể lại chuyện trước lớp (có thể  nhập vai kể)

- Học sinh nhận xét, giáo viên bổ sung, nhận xét chung.

Ví dụ minh hoạ: Nghe kể lại chuyện: Dại gì mà đổi. (Hoạt động 3 - tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt 3 - tập 1A - trang 45)

Nội dung câu chuyện trong tài liệu hướng dẫn học đã trình bày ở ví dụ trên.

1. Chuẩn bị: Tranh vẽ ở tài liệu hướng dẫn học phóng to.

2. Cách tiến hành:

- Giáo viên treo tranh vẽ lên bảng.

Giáo viên kể phần đầu của chuyện kết hợp chỉ tranh: “Có một cậu bé 4 tuổi nhưng rất nghịch ngợm. Một hôm, mẹ cậu dọa sẻ đổi cậu để lấy một đứa trẻ ngoan về nuôi.”.

- Giáo viên hỏi: Các em thử đoán xem cậu bé trả lời như thế nào?

- Giáo viên ghi một vài ý học sinh đoán lên bảng :

Ví dụ :

+ Cậu bé òa khóc.

+ Cậu bé hét lên.

+ Cậu bé mừng rỡ.

+ Cậu bé không đồng ý dổi.

- Giáo viên kể tiếp câu chuyện và cho học sinh đối chiếu điều được nghe với điều đã đoán để điều chỉnh phần ghi ở bảng.

- Giáo viên kể chuyện lần 2, đề nghị học sinh nêu lên một số tình tiết nửa phần đầu của truyện. Giáo viên có thể đưa lên một số thẻ từ ghi một số tình tiết của chuyện.

Ví dụ:  

+ Mẹ sẽ chẳng đổi được đâu!

+ Vì sao thế?

+ Chẳng ai muốn đổi đứa con ngoan để lấy đứa con nghịch.

- Học sinh trao đổi về ý nghĩa hoặc một vài chi tiết thú vị của chuyện

- HS kể lại chuyện (theo nhóm hay cặp) kết hợp câu hỏi  gợi ý ở tài liệu hướng dẫn học.

- Đại diện vài nhóm học sinh kể trước lớp.

- Cả lớp nhận xét, giáo viên bổ sung, nhận xét chung.

Ví dụ minh hoạ: Nghe kể lại chuyện: Người bán quạt may mắn (tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt 3 - tập 2A - trang 85)

Nội dung câu chuyện ở sách hướng dẫn

1. Chuẩn bị: Phiếu bài tập xây dựng mạng câu chuyện .

2. Cách tiến hành:

- Giáo viên kể lần một và hỏi học sinh: câu chuyện có mấy nhân vật? học sinh trả lời, giáo viên treo bảng phụ có ghi mạng câu chuyện lên bảng.

- Giáo viên kể lần hai rồi yêu cầu học sinh xây dựng mạng câu chuyện theo nhóm. Nếu học sinh có khó khăn giáo viên nêu câu hỏi gợi ý như sau:

+ Bà lão bán quạt gặp ai và phàn nàn điều gì?

+ Ông Vương Hi Chi viết chữ vào những chiếc quạt để làm gì?

+ Vì sao mọi người đua nhau đến mua quạt?

- Học sinh thảo luận rồi điều chỉnh mạng câu chuyện, có thể như sau:

- Gọi một vài học sinh nhìn mạng câu chuyện kể lại chuyện cho cả lớp nghe. Học sinh nhận xét, giáo viên bổ sung và động viên khuyến khích các em là chính.

- Học sinh dựa vào mạng câu chuyện để kể lại theo nhóm, giáo viên kèm cặp giúp đỡ học sinh trung bình và yếu.

- Đại diện nhóm kể trước lớp. Học sinh nhận xét, giáo viên bổ sung, nhận xét chung. Giáo viên hỏi học sinh: Qua câu chuyện này, em biết gì về Vương Hi Chi? (Giáo viên nói thêm: Vương Hi Chi là một người có tài và nhân hậu, biết cách giúp đỡ người nghèo khổ).

- Cả lớp và GV bình chọn bạn kể chuyện hay nhất, hiểu câu chuyện nhất.

* Một số lưu ý khi dạy dạng bài trên

- Có rất nhiều cách để tiến hành giờ học dạy dạng bài “Nghe - kể lại chuyện”. Giáo viên có thể tuỳ vào tình hình của lớp, trình độ học sinh để chọn cách dạy phù hợp nhất.

- Cho dù dạy theo cách nào, giáo viên cũng phải có sự chuẩn bị bài trước (Tranh ảnh phục vụ nội dung truyện hoặc xây dựng mạng câu chuyện: (Phiếu bài tập) để giờ học sinh động, gây hứng thú học tập cho học sinh hơn.

- Chú ý giao việc cho học sinh rõ ràng đặc biệt là khi hoạt động nhóm và nên theo dõi kèm cặp thêm cho học sinh “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”, tạo cho các niềm tin, mạnh dạn hơn trong học tập.

* Đối với dạng bài: Kể hay nói, viết về một chủ đề.

Mục đích: Nội dung các bài tập thuộc dạng bài này nhằm rèn cho học sinh kỹ năng diễn đạt bằng lời nói (viết) về một chủ đề nào đó: Nói viết về thành thị hoặc nông thôn; Kể về gia đình ; Kể về một buổi thi đấu...

Xem xét cách triển khai câu hỏi gợi ý ở mỗi đề, chúng ta có thể thấy dạng đề này hầu như là sự kết hợp của nhiều thể loại: miêu tả, tường thuật, thuyết minh và phát biểu cảm nghĩ. Trong tài liệu hướng dẫn học, các kiểu đề này chủ yếu được tiến hành theo một trình tự như sau:

- Giáo viên giới thiệu bài:

- Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài:

+ Học sinh đọc và xác định yêu cầu của bài tập

+ Giáo viên cho học sinh tìm ý theo hệ thống câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn học hoặc giải thích cho học sinh cách làm bài.

+ Một học sinh kể mẫu và giáo viên nhận xét.

- Học sinh tập nói theo (nhóm).

- Đại diện một số nhóm nói trước lớp. Cả lớp và giáo viên nhận xét.

- Cả lớp viết bài vào vở nếu bài yêu cầu cả nói và viết.

Theo tôi khi dạy dạng đề này ngoài phương án được nêu trên trong tài liệu hướng dẫn học có thể sử dụng mạng ý nghĩa để giúp học sinh tìm kiếm và phát triển diễn đạt ý tưởng tạo cho các em sự mạnh dạn tự tin trong học tập.

*Ví dụ minh họa:

Ví dụ: Đề bài: Nói về quê hương em  

1. Chuẩn bị: Phiếu học tập

a. Hoàn thành bảng dưới đây

 

Tên bài đọc

Quê hương là...

Chi tiết làm em xúc động nhất

Giọng quê hương

......................................

..............................................................................

Quê hương

.....................................

..............................................................................

Đất quý, đất yêu

.....................................

..............................................................................

Vẽ quê hương

.....................................

...............................................................................

Chõ bánh khúc của dì tôi

.....................................

.....................................

...............................................................................

...............................................................................

b. Đánh dấu X trước mỗi câu nếu em đồng ý.

Qua các bài đọc trên em thấy quê hương:

+ Là tất cả những gì gần gũi, thân thương đối với mình.

+ Là nơi mình sinh ra và lớn lên.

+ Là những điều mình có thể nghe, có thể thấy, có thể sờ,  có thể nếm.

+ Là cái gì đó mà khi xa mình thấy nhớ thương.

c. Các em hãy nghĩ về quê hương mình:

Quê em ở đâu? Em yêu nhất cảnh vật gì ở quê hương? Cảnh vật đó có gì đáng nhớ? Tình cảm của em đối với quê hương như thế nào?

2. Cách tiến hành:

Hoạt động 1: Giúp học sinh tìm hiểu yêu cầu của đề bài và chuẩn bị thông tin ý tưởng để nói. Trước hết giáo viên phát phiếu học tập cho học sinh và dẫn dắt học sinh hoàn thành bài tập a, b trên phiếu (theo nhóm)

- Giáo viên treo bảng phụ có ghi các bài tập a, b trên bảng. Cho các nhóm tự nêu kết quả bài làm của mình, các nhóm khác nhận xét, giáo viên bổ sung hoàn thành bài tập.

Hoạt động 2:

- Giáo viên treo bài tập c (ghi sẵn ở bảng phụ) lên bảng kèm với lời dẫn dắt để kích thích học sinh hồi tưởng.

- Học sinh làm vào giấy nháp; Giáo viên đồng thời gọi hai em làm vào bìa phụ ghi vào khung chủ đề cụm từ “Quê hương em” rồi sau đó ghi ra bất kì ý tưởng nào của mình có được xung quanh chủ đề ấy (lưu ý học sinh chỉ ghi từ hoặc cụm từ).

Ví dụ:        

           

Hoạt động 3: Học sinh đánh số thứ tự các ý mình vừa tìm được, giáo viên hướng dẫn các em sắp xếp các ý bằng số thứ tự 1, 2, 3.

- Giáo viên bao quát lớp đặc biệt là chú ý học sinh “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành” để giúp các em điều chỉnh.

Hoạt động 4: Học sinh nhìn mạng của mình và nói: Cho hai em nói mẫu trước lớp.

Ví dụ: Em sinh ra và lớp lên ở nông thôn. Quê hương em thật là đẹp. Ở đó có cây đa cổ thụ che bóng rợp cả một vùng. Giếng nước trong veo. Trước mặt ngôi nhà em là con sông quê hương. Em rất thích tắm mình dưới con sông ấy khi mùa hè đến. Em yêu quê hương của mình.

 - Cả lớp nhận xét, giáo viên bổ sung.

Hoạt động 5: Học sinh nói theo cặp (hoặc nhóm 4). Giáo viên bao quát lớp đặc biệt lưu ý giúp học sinh còn chậm.

Hoạt động 6: Học sinh nói thể hiện trước lớp:

- Gọi đại diện các nhóm lên nói trước lớp (không nhìn mạng ý nghĩa). Nếu là học sinh “Chưa hoàn thành”, giáo viên cho học sinh nhìn mạng để nói.

- Cho học sinh thể hiện mở rộng cảm xúc về quê hương mình. Khuyến khích học sinh tự tìm đặt  thêm  câu hỏi mở rộng. giáo viên nhận xét chung.

Ngoài việc sử dụng mạng ý nghĩa nêu trên, trong khi dạy tập làm văn lớp 3, chúng ta sử dụng bản đồ tư duy thay cho sơ đồ mạng ý nghĩa, kiến thức của từng bài, từng chủ đề và đảm bảo tính thẩm mĩ để qua đó học sinh tiếp nhận kiến thức bài một cách tích cực và mang lại hiệu quả giờ học cao hơn.

Ví dụ khi dạy đề bài: Nói về quê hương em, các bước đi như đã trình bày ở trên, giáo viên sử dụng bản đồ tư duy như sau thay cho việc sử dụng mạng ý nghĩa:

 

 Qua bản đồ tư duy này, học sinh sẽ dựa vào các dữ liệu (các từ ngữ phục vụ cho đề bài) để hoàn thành bài nói về quê hương dễ dàng hơn.

Ví dụ 1: Quê hương em ở thành phố. Ở nơi đây có nhiều nhà cao tầng, xe cộ đông đúc, náo nhiệt. Những ngày nghỉ, em thường được bố mẹ dẫn đi xem công viên, đi siêu thị ăn kem thật là thích. Em rất yêu quê hương của mình.

Ví dụ 2: Nông thôn là nơi em sinh ra và lớn lên. Quê hương em thật là đẹp. Ở nơi đây có  những con đò chạy trên những dòng sông. Đầu làng có giếng nước trong veo, cây đa cổ thụ tỏa bóng che mát cả một vùng. Những ngày hè nóng nực, em thường được bố mẹ dẫn đi tắm mát dưới dòng sông. Em yêu quý nơi này biết bao.

- Học sinh ghi vào giấy nháp về gia đình mình.

- Giáo viên gọi một vài em kể về gia đình mình cho cả lớp nghe.

- Cho học sinh nhận xét lời kể của bạn. Giáo viên nhận xét chung.

Giáo viên ra đề.

Ta thấy rằng để học sinh nắm được trọng tâm của đề bài để làm bài một cách tốt nhất thì khâu ra đề giáo viên cần xác định đúng nội dung và ra đề ngắn gọn, dễ hiểu và có chấm bài chu đáo thì mới có tiết trả bài đạt hiệu quả.

        - Ra đề Tập làm văn theo hướng mở nhằm phát triển năng lực của học sinh chính là chúng ta đang muốn hướng tới khuyến khích học sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc riêng, cách nhìn, cách tả, cách kể của cá nhân trước một đề bài.

 Đề mở có thể chia tạm chia thành 02 dạng chính: Đề mở hoàn toàn và đề mở có chứa yếu tố định hướng của người ra đề.

4. Kết quả thu được sau khi áp dụng sáng kiến

Với việc tìm hiểu thực trạng dạy và học phân môn Tập làm văn lớp 3 ở trường tiểu học hiện nay với dạng bài: “Nghe - kể lại chuyện”; “Kể hay nói, viết về một chủ đề” và đưa ra được các biện pháp khắc phục đã đem lại cho chúng tôi một kết quả học tập của học sinh rất khả quan. Với giáo viên, họ đã có trong tay những giải pháp khi dạy dạng bài này và không còn lúng túng khi giảng dạy cho học sinh. Cũng thông qua sáng kiến này mà tổ chuyên môn trường chúng tôi đã có những buổi họp chuyên môn hữu ích, họ không chỉ sôi nổi thảo luận khi dạy về phân môn Tập làm văn lớp 3 nói riêng này mà họ còn mạnh dạn đề ra các biện pháp dạy học phù hợp với các phân môn khác.

        Dưới đây là bảng tổng hợp kết quả khảo sát một số giờ dạy Tập làm văn ở lớp 3°2 trường tiểu học Hoàng Công Chất với các dạng bài nêu trên:

Thời gian vận dụng

Tên bài dạy

Lớp

Số học sinh

Kết quả thực hành của học sinh

Hoàn thành

Tốt

Hoàn thành

 

Chưa hoàn thành

Số lượng

Tỉ

lệ

Số lượng

Tỉ

lệ

Số lượng

Tỉ

lệ

Giữa kỳ I

(tuần 7)

Nghe, kể: Không nỡ nhìn.

 

3A2

 

31

6

19,3

21

67,7

4

13

Cuối kỳ I

(tuần 16)

Nói về thành thị, nông thôn

31

8

25,8

22

70,9

1

3,3

Giữa kỳ II

(tuần 24)

Nghe, kể: Người bán quạt may mắn

31

14

45,1

17

54,9

0

0

5. Tính mới, tính sáng tạo của giải pháp

* Điểm mới của giải pháp

- Giúp cho học sinh tích lũy và lựa chọn vốn từ ngữ, bộc lộ cảm xúc  khi

 miêu tả bằng cách sử dụng sổ tay cá nhân, khuyến khích học sinh ghi lại cảm nhận của mình sau khi học hoặc đọc một bài văn hay, khi nhìn thấy một sự vật đẹp…

-  Giáo viên chú trọng đến bồi dưỡng kỹ năng viết văn miêu tả trong tất cả các giờ học Tiếng Việt: Tập đọc, Luyện từ và câu, Kể chuyện…

- Giúp học sinh bồi dưỡng kỹ năng quan sát tìm ý bằng cách tăng cường quan sát vật định tả bằng nhiều hình thức phong phú: quan sát bằng nhiều giác quan,  quan sát trực tiếp cảnh thật, vật thật, quan sát tranh ảnh, vi deo…

Những vấn đề nêu trên đã được tôi đặc biệt quan tâm đối với học sinh lớp 3 khi dạy các em viết văn miêu tả. Mục đích chính của giải pháp mới là giúp học sinh lớp 3 học thể loại văn miêu tả đạt hiệu quả cao. Đây chính là điểm mới của giải pháp so với giải pháp đã và đang thực hiện.

PHẦN III. KẾT LUẬN

1. Tính sáng tạo và kết quả mà sáng kiến mang lại.

- Khi vận dụng các giải pháp trên vào dạy Tập làm văn ở lớp 3A2 trường tiểu học Hoàng Công Chất, giáo viên cảm thấy giờ học không trầm như trước mà học sinh chú ý học hơn nhiều, qua thực hành giao tiếp cho thấy khả năng hoạt động học tập của học sinh rất tích cực, hiệu quả.

- Tiết học diễn ra nhẹ nhàng, gây hứng thú học tập cho học sinh. Học sinh nghe giáo viên kể chuyện trên lớp sau đó nhiều em đã kể lại trọn vẹn câu chuyện trước lớp. Qua kiểm tra, chất lượng các bài văn của học sinh nâng lên rõ nét.

2. Gợi mở vấn đề tiếp tục cần nghiên cứu.

Để nâng cao hiệu quả các giờ học Tập làm văn lớp 3 theo hướng mở đặc biệt là với các dạng bài tập: “Nghe - kể lại chuyện”; “Kể hay nói, viết về một chủ đề”, theo tôi người giáo viên phải tiếp tục củng cố vốn từ , ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng triệt để đồ dùng dạy học được cấp và tự làm vào việc dạy và học, tìm ra những biện pháp thích hợp, tác động đến từng đối tượng học sinh để các em phát huy năng lực của bản thân mình. Qua đó các em sẽ tự hình thành cách học tập khoa học và một thái độ học tập đúng đắn.

3. Kiến nghị và đề xuất.

-  Đối với Tổ chuyên môn của nhà trường cần có các buổi sinh hoạt chuyên tổ chức chuyên đề đối với phân môn Tập làm văn theo hướng mở có chất lượng để giáo viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Đối với giáo viên: Trong quá trình dạy học nói chung và dạy học môn  Tiếng Việt ở Tiểu học nói riêng, giáo viên cần có ý thức nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng nhiều biện pháp, thủ thuật để nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh.

  Trên đây là một số giải pháp mà tôi đã thử nghiệm thành công tại đơn vị để góp phần nâng cao chất lượng dạy, học phân môn Tập làm văn lớp 3. Rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô và bạn bè đồng nghiệp. Xin chân thành cảm ơn!

                                                                                                                                      

                                                                                                                      Người viết: Đinh Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

licham.net

- Click vào nút hiển thị ngày trong tuần hoặc tháng âm lịch để xem chi tiết

- Màu đỏ: Ngày tốt

- Xanh lá: Đầu tháng âm lịch

- Màu vàng: Ngày hiện tại

QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm186
  • Hôm nay23
  • Tháng hiện tại2,454
  • Tổng lượt truy cập273,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi